Con người Nhật Bản rất nhạy cảm với sự thay đổi của cảnh quan thiên nhiên và thời tiết. Vẻ đẹp bốn mùa mang đậm chất thơ tại xứ Phù Tang cũng được thể hiện trong nền văn hóa ẩm thực của họ. Điều này không chỉ phản ánh ẩm thực Nhật Bản gắn liền với yếu tố thiên nhiên, mà còn nói lên người Nhật biết tận dụng để thưởng thức những gì tươi ngon nhất tuỳ theo sự thay đổi của khí hậu.

     Mùa xuân là thời điểm phát triển mạnh của loài cá Shirouo. Đây là loài cá non trong suốt, rất nhỏ. Người Nhật ăn cá Shirouo vào đầu xuân để báo hiệu mùa đông dài đã kết thúc. Cá Shirouo  được thả trong những chiếc bát sứ, và bày ra đĩa ăn sống. Điểm thú vị khi thưởng thức món ăn là cảm nhận những con cá Shirouo nhỏ ngọ nguậy trong miệng. Bên cạnh đó, mùa xuân cũng là mùa hoa anh đào nở rộ. Người Nhật thường ăn bánh sakura mochi và gạo anh đào để tưng bừng chào đón lễ hội hoa.

Hình 1: Cá Shirouo – Cá non, trong suốt, nhỏ thường được ăn sống. 

     Trong mùa hè nóng bức, người Nhật thường ăn món lươn nướng vì cho là món ăn này sẽ cung cấp nguồn năng lượng cần thiết để chống chọi với khí hậu nóng ẩm. Mùa hè cũng là mùa để ăn các món ăn mực, rau và hoa quả tươi. Đặc biệt trong mùa hè người Nhật thường nhấm nháp ly bia kèm edamame, một loại đậu luộc có màu xanh trong đêm mùa hè nóng bức. Thời điểm tháng 5, tháng 6 cũng là mùa phát triển của cá ngừ và cá ayu. Nếu cá ngừ Nhật được coi là “viên ngọc trai đen” của biển cả thì cá ayu là loài cá nước ngọt nổi tiếng nhất của xứ Phù Tang. Loài cá này sống trong các con suối thượng nguồn trong rừng sâu nên mùi vị cá thơm, ngon ngọt và thanh khiết. Dẫu là loài cá nước ngọt nổi bật và thuộc loại giá thành cao tại Nhật, nhưng cách chế biến nó lại rất đơn giản: nướng muối. Người dân bản địa thường dành thời gian vào mùa hè để đi câu cá Ayu và nướng ngay tại chỗ. Bằng cách này, họ cảm nhận vị ngon ngọt thanh khiết, thơm thơm bùi bùi từ thịt cá.

Hình 2: Cá Ayu – Cá nước ngọt nổi tiếng của Nhật Bản

     Mùa thu đến là người Nhật chuyển sang ăn món mì soba, các loại nấm nhất là nấm matsutake được coi là loại nấm thượng hạng. Cuối thu thường là thời gian để dành rau quả cho mùa đông sắp đến. Nhiều loại đồ chua được chế biến với dấm, muối để dự trữ đồ ăn cho mùa đông. 

Hình 3: Nấm Matsutake thượng hạng của Mùa Thu Nhật Bản

     Onabe- món lẩu, thường được ăn vào mùa đông để giảm đi cảm giác lạnh lẽo. Vào ngày cuối cùng của năm, người Nhật thường ăn mì toshikoshi có sợi dài với lòng tin rằng những sợi mì dài sẽ đem lại trường thọ và sức khoẻ dồi dào trong năm mới.

Hình 4: Mùa đông là mùa lẩu lên ngôi.

     Ngoài ra, còn nhiều loại thức ăn đặc trưng cho các ngày lễ truyền thống tại Nhật Bản như món bánh dày hình thoi, bánh bột gạo tẩm đường cho ngày lễ bé gái, hay Osechi ryori là món ăn dành cho ngày Tết.

     Sự đa dạng của văn hóa ẩm thực Nhật luôn gây ấn tượng mạnh đối với những thực khách sành ăn. Ẩm thực Nhật Bản cân bằng dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe, điều này giải thích cho tuổi thọ cao của người dân xứ này. Ngày nay, nét đặc trưng và kiến thức ẩm thực xứ sở mặt trời mọc được lan truyền rộng rãi khắp thế giới. Tại Việt Nam, IKI tự hào là nơi truyền tải linh hồn văn hóa ẩm thực Nhật đến với mọi người.